Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển, tăng trưởng của trẻ em. Nếu trẻ bị thiếu hụt những vi chất này thì sức đề kháng suy yếu làm trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, chậm phát triển.
Vi chất dinh dưỡng là gì?
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vi chất dinh dưỡng bao gồm: nhóm vitamin (A, B, C, D, E…); nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, phốt pho, sắt, kẽm, iod,…).
Nguyên nhân gây thiếu vi chất dinh dưỡng
Nguyên nhân bệnh lý dẫn tới tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ là do trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa khiến quá trình hấp thu vi chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng, hoặc những trẻ có hệ miễn dịch kém hay bị mắc bệnh khiến trẻ chán ăn dẫn đến thiếu chất.
Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất còn gặp ở những trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán).
Bên cạnh đó, hiện tượng trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng còn do khẩu phần ăn kém đa dạng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị các vi chất dinh dưỡng.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng an toàn
Để giải quyết được tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, trước hết cha mẹ cần phải hiểu đúng tầm quan trọng cũng như nhu cầu của vi chất dinh dưỡng đối với cơ thể. Cải thiện bữa ăn hàng ngày có sử dụng muối iod với đầy đủ 04 nhóm thực phẩm chính gồm: nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất.
Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm: thịt, gan, cá, trứng gà, sữa, bơ, kem; các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà chua, cà rốt, dưa hấu, đu đủ, gấc...); các loại rau màu thẫm (muống, dền, mùng tơi, ngót, các loại cải); dầu cọ và các loại dầu ăn khác.
Sắt có trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: đậu cô ve, đậu nành; các loại rau có lá và bột ngũ cốc; các thực phẩm có nguồn gốc động vật như: thịt bò, trứng, gan, ngao, sò, ốc, hến…
Những thực phẩm giàu vitamin D gồm: dầu gan cá, nhất là ở các loài cá béo, bột ngũ cốc, sữa.
Nguồn thực phẩm giàu canxi gồm: tôm, tép, cua, cá, rau dền, mùng tơi, rau ngót, sữa và các chế phẩm từ sữa...
Các nhóm thực phẩm giàu kẽm như: thủy hải sản (hàu, sò, ngao, tôm, cua); gan động vật, lòng đỏ trứng và thịt nạc; thực phẩm họ đậu.
Nguồn vitamin B1 dồi dào có trong các loại hạt họ đậu; vitamin B2 có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, sữa, các loại rau, đậu; vitamin B6 có nhiều trong ngũ cốc; vitamin B9 có trong các loại rau xanh, nấm, đậu, củ, quả, ngũ cốc, thịt và phủ tạng động vật (gan bò, gan gà); vitamin B12 chủ yếu trong thịt và sản phẩm từ sữa.
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ một cách chủ động và an toàn thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung trong bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, việc chế biến, lưu trữ thực phẩm không đúng cách như: rau bị héo, trái cây không còn tươi, gạo được xay xát kỹ, thức ăn nấu quá lâu,… cũng sẽ làm mất đi lượng lớn vitamin và khoáng chất.
Để cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể trẻ, mẹ có thể lựa chọn các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các vi chất thiết yếu như: kẽm, canxi, vitamin A, nhóm vitamin B (2, 6, 9, 12), vitamin D,… Không chỉ cung cấp các vi chất mà các sản phẩm này còn tăng cường chức năng tiêu hóa và sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, phát triển khỏe mạnh. Nguồn: sưu tầm(t)