Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Kính thưa các thầy, cô giáo tham dự hội thảo.
Ngày 22/4/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ phát động “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc- Thầy cô hạnh phúc- Học sinh hạnh phúc”trở thành vấn đề mang tính cấp thiết trong xã hội.
Vậy “Trường học hạnh phúc” là gì ?
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: một trường học hạnh phúc là trường học tự xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và bối cảnh giáo dục mà nhà trường được đặt vào; trong đó có mục tiêu “làm cho các cá nhân, tập thể trong đó yêu trường, yêu lớp, cùng tiến bộ trên cơ sở những giá trị tốt đẹp”. Với các nhà trường hiện nay, bà cho rằng có thể tập trung vào ba giá trị cốt lõi mà Bộ GD&ĐT đã lựa chọn: An toàn, yêu thương và tôn trọng.
Trường Tiểu học Việt Hưngcần làm gì để xây dựng “trường học hạnh phúc” ?
Để có một trường học hạnh phúc thực sự, ngoài giải pháp vĩ mô, thì giải pháp vi mô, đó là có những việc khả thi chúng ta có thể làm được ngay, nằm trong tầm tay của ngành Giáo dục, của mỗi thầy cô và học sinh.
Thật ra, ai cũng có thể nhận ra, tạo ra hạnh phúc của riêng mình. Đó là hãy quan tâm đến việc làm cho mình khỏe, duy trì cảm xúc tích cực để từ đó làm việc tốt, sống tốt.
Bên cạnh đó, chúng ta cần bám sát vào các tiêu chí để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, đó là:
1- Tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân, trong đó tập trung vào việc xây dựng một môi trường làm việc và học tập lý tưởng cho GV và HS.
2- Tiêu chí về dạy và học, trong đó tập trung vào việc tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân; sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh.
3- Tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, trong đó tập trung vào việc giúp đỡ chia sẻ với HS có nhu cầu đặc biệt, có hoàn cảnh riêng; phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng, địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh.
Giáo viên khối Ba đã thực hiện những gì để xây dựng “Trường học hạnh phúc” ?
Tôi thiết nghĩ, muốn xây dựng một trường học hạnh phúc, bản thân mỗi nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chúng ta phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Và để cùng nhau xây dựng “Trường học hạnh phúc” cần lắm sự chung tay của tất cả chúng ta. Trước tiên là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường, tăng cường bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, kĩ năng sống cho đội ngũ nhà giáo, tới việc động viên tinh thần cũng như quan tâm và có chế độ chính sách phù hợp với nhà giáo, đảm bảo được đời sống tối thiểu của thầy cô, giúp họ yên tâm công tác, yêu nghề và mong muốn được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục để mỗi thầy cô thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được lan tỏa tới tất cả các con học sinh.
Kính thưa các thầy, cô giáo- những đồng nghiệp yêu quý của tôi!
Trường học hạnh phúc, hiểu một cách đơn giản nhất, là mỗi ngày đến trường, GV, HS đều vui. Vì thế, nhiệm vụ của các thầy cô bây giờ, không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để đối với các con, trường học trở thành một nơi thú vị để sống và học được một điều thú vị để làm. Đó là một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều hướng đến vì tương lai của các con HS. Vì thế, sứ mệnh của người thầy lại càng trở nên thiêng liêng và cao cả hơn bao giờ hết.
Trong giảng dạy, giáo viên khối Ba chúng tôi luôn áp dụng phương pháp dạy học tích cực để mang lại cho HS sự hứng khởi, niềm đam mê, sáng tạo trong học tập. Các em tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, chủ động, tự tin …đó là hạnh phúc trong học tập.
Phương pháp dạy học tích cực là phương pháp dạy học lấy sự chủ động của người học làm trọng tâm, dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, là phương pháp dạy học chủ yếu thông qua các hoạt động của học sinh.Phương pháp này ngày càng áp dụng phổ biến, được thay thế cho những cách thức giảng dạy và tiếp nhận kiến thức thụ động trước đây. Nhiều thầy, cô giáo đã áp dụng phương pháp này và đã gặt hái được nhiều thành công trong việc dạy học, vì thế giúp học sinh ngày càng tiến bộ trong học tập.
Trong tiết chuyên đề Thủ công, bài “Cắt, dán chữ I, T” cô giáo Hoàng Khánh Linh đã áp dụng phương pháp “kĩ thuật phòng tranh” hiệu quả, mang lại niềm vui, niềm đam mê sáng tạo, đặc biệt mang lại niềm hạnh phúc trong học tập cho học trò lớp 3A6.
Các cô giáo tham quan triển lãm tranh cùng học sinh.
Ngoài kĩ thuật cắt, dán chữ, các em còn thỏa sức sáng tạo trong việc trình bày các chữ đã cắt theo từng chủ đề, mang tới tiết học những thông điệp riêng của nhóm mình.
Mỗi nhóm một ý tưởng riêng nhưng chung niềm đam mê, óc sáng tạo,tinh thần chủ động, tích cực trong học tập, các em đã tạo nên những bức tranh thật ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Nhóm trưởng thuyết trình ý tưởng tranh
Được làm việc với sự hợp tác của các bạn trong nhóm, cùng nhau sáng tạo, trình bày ý tưởng; các em còn được thể hiện quan điểm riêng, thể hiện giá trị bản thân cũng như ước mơ, mục tiêu cá nhân trong việc giao lưu với các bạn khác nhóm.Hoạt động giao lưu này gắn kết tình thân ái giữa các bạn trong cùng nhóm, các bạn khác nhóm, đem lại sự ấm áp trong tình bạn, tạo nên những giá trị cốt lõi của tình yêu thương, tinh thần đoàn kết gắn bó của con người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Mời các bạn tìm hiểu tranh với thông điệp 5K
Các chủ đề tranh thật ý nghĩa, mang tính thời sự, thể hiện suy nghĩ, sự quan tâm của các em về các vấn đề xã hội : An toàn giao thông, Phòng chống dịch bệnh… tình yêu đất nước, yêu trường lớp, tình cảm thầy trò : Việt Nam, Tri ân thầy cô, Đoàn kết yêu thương…Mỗi bức tranh mang một sắc thái tình cảm riêng, một thông điệp riêng các em muốn nhắn gửi tới mọi người.Mỗi nhóm một ý tưởng sáng tạo với thông điệp riêng, các em thực sự hạnh phúc khi sản phẩm của mình hướng tới một vấn đề, một khía cạnh nào đó của xã hội.Hạnh phúc hơn cả là thông điệp nóng hổi về đại dịch Covid đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu, các em thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của học sinh trong việc phòng bệnh, chấp hành nghiêm chỉnh theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Hạnh phúc là công dân nhỏ Việt Nam góp phần chung tay, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Giờ học diễn ra với không khí học tập sôi nổi, tích cực, hào hứng mà nhẹ nhàng, thoải mái , sinh động mà hiệu quả. “Kĩ thuật phòng tranh” đã góp phần giúp học sinh ghi nhớ kiến thức tốt nhất, tạo cơ hội để các em giao tiếp, thể hiện bản thân, thể hiện ước mơ của chính mình. Được trình bày, trao đổi với các bạn giúp học sinh hình thành và rèn luyện kĩ năng thuyết trình cho tất cả học sinh trong lớp, từ đó bồi đắp sự tự tin cho các em. Việc quan sát hình ảnh trong tranh giúp các em ghi nhớ thông tin, kiến thức nhanh và lâu hơn so với việc nghe - đọc trong cùng khoảng thời gian
Cô – trò tương tác trong giờ học
Chỉ là bài Thủ công, nhưng các em được tích hợp nhiều kiến thức liên môn: Âm nhạc, Mĩ thuật, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức… và quan trọng hơn là những kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp được cô giáo truyền tải thật nhẹ nhàng, sinh động mang đến sự thoải mái trong học tập. Vui vẻ, đam mê, tự tin, thỏa sức sáng tạo mà việc tiếp thu kiến thức lại nhẹ nhàng, không bị gò ép cùng với việc rèn luyện kĩ năng : tự chủ, hợp tác, tự đánh giá, giao tiếp nhóm…làm cho học sinh thấy “được chơi”trong giờ học, như vậy là hạnh phúc ; một giờ học hạnh phúc của cả cô và học trò.
Nhiều giờ học hạnh phúc , nhiều thầy trò hạnh phúc trong ngôi trường hạnh phúc sẽ tạo nên một thế hệ hạnh phúc, một tương lai hạnh phúc.
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo chúng ta hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, hãy lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai. Hãy làm cho mỗi lớp học, mỗi ngôi trường thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các con thực sự là một ngày vui, các bạn nhé! Có thể ngày hôm nay, đời sống của đại đa số những thầy cô giáo như chúng ta vẫn còn khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin rằng, với trách nhiệm của hai chữ “nhà giáo” trên vai, chúng ta sẽ luôn luôn phấn đấu và cố gắng hết mình để xứng đáng với sứ mệnh cao cả đó.
Và tôi cũng rất tâm đắc một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh, một câu nói bao hàm tất cả những giá trị và vị ngọt hướng gửi đến những ai làm công tác giáo dục “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”.
Cuối cùng, xin được kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý luôn dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, thành công. Chúc các bạn đồng nghiệp yêu quý của tôi luôn vui khỏe, và luôn luôn hạnh phúc, bởi có hạnh phúc chúng ta mới lan tỏa hạnh phúc tới những người xung quanh, mới làm cho ngôi trường hạnh phúc .
Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các thầy cô đã chú ý lắng nghe phần trình bày của tôi.Hi vọng tham luận nhỏ bé này giúp các bạn đồng nghiệp có thêm chút vốn liếng về trường học hạnh phúc. Và chúng ta hãy cùng nhau tin tưởng, hãy sát cánh bên nhau, cùng nhau hành động vì những lớp học hạnh phúc, vì ngôi trường hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!