Để tạo “môi trường xanh” phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em, mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ
Đó là lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và Khai mạc hè năm 2022 do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức tối ngày 31/5 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Với chủ đề: “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của gia đình, cộng đồng và các tổ chức chính trị-xã hội, vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, “Chúng ta không chỉ có tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em” và nêu rõ, dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn nhất là đuối nước, tự tử vì trầm cảm do tác động của di chứng hậu COVID-19 vẫn còn xảy ra trong xã hội và một số trẻ em phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ là gia đình – nhà trường – xã hội. Ông đề nghị, các gia đình hãy là những “ngôi nhà xanh” hạnh phúc cho các cháu với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Các nhà trường hãy là nơi để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Môi trường xã hội là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em với tinh thần “trách nhiệm và yêu thương”.
Thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em và 3 tháng hè năm 2022
1. Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình;
2. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;
3. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
4. Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình;
5. Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
6. Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
7. Số 111 – tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.
8. Toàn Đoàn đẩy mạnh Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”
9. Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
10. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.