Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. ƯDCNTT đã mang đến những tác dụng kỳ diệu, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Công nghệ thông tin làm thay đổi mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy – học, chính vì vậy mà trong những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT vào dạy – học đã và đang trở thành một xu thế phát triển mạnh mẽ ở các trường học, mọi cấp học.
Việc ứng dụng CNTT sẽ mang đến cho học sinh một môi trường học tập đa phương tiện giúp học sinh phát huy tối đa các giác quan trong lĩnh hội tri thức. Những kiến thức, tài liệu được cung cấp tới học sinh bằng nhiều kênh như kênh hình, kênh chữ, kênh âm thanh sống động. Nếu như đồ dùng dạy học trước kia chỉ là tranh ảnh, mô hình, vật thật thì nay nhờ có CNTT, GV có thể đưa thêm nhiều hình ảnh đẹp, video, clip, các trò chơi, ứng dụng phong phú. Nhờ đó học sinh hứng thú với tiết học hơn, dễ tiếp thu và ghi nhớ tốt hơn.
Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy còn giúp giáo viên chủ động hơn trong bài giảng của mình. Hiện nay CNTT phát triển cũng giúp GV dễ dàng tìm kiếm các tài liệu phục vụ bài giảng của mình.
Hơn thế nữa, việc được tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin trong lớp học còn mang đến cho các em những kỹ năng tin học cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hiện nay, có rất nhiều công cụ, phần mềm hỗ trợ nhằm giúp giáo viên thuận lợi hơn trong công tác. Bên cạnh các ứng dụng như word, excel, pownpoint mà các thầy cô thường sử dụng, tôi xin giới thiệu một số công cụ và ứng dụng mới như:
Phần mềm Violet: Đây là công cụ giúp cho giáo viên có thể tự xây dựng được các bài giảng trên máy tính một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phần mềm violet cũng hỗ trợ rất nhiều khi các đồng chí muốn xây dựng gói câu hỏi dưới dạng trò chơi như đi tìm kho báu, cóc vàng tài ba, sút luân lưu, đua xe,...Các trò chơi được tạo trong phần mềm violet đều có chất lượng tốt, màu sắc bắt mắt.
Ứng ụng Total Video Converter (TVC) là một công cụ chuyển đổi hơn 50 định dạng video phổ biến, đồng thời có nhiều chức năng tiện ích khác như chuyển đổi sang khuôn hình HD, cắt ghép phim, tách hoặc ghép tiếng, hình, ghi đĩa CD/VCD/DVD, chụp màn hình,... là một trong những phần mềm xử lý chuyển đổi dạng video thông dụng trên thế giới và là một trong những phần mềm được ưa chuộng hiện nay.
Ứng dụng youcam7 đây là ứng dụng các đồng chí vẫn đang sử dụng để trình chiếu bài của học sinh. Ngoài tác dụng đó, phần mềm youcam7 còn có thể sử dụng để quay lại những video chất lượng cao, thời lượng ghi không giới hạn.
Ứng dụng Camtasia 9 là ứng dụng quay phim, làm video ảnh, cắt, tách âm thanh hoặc ghép video đơn giản nhất giúp giáo viên tạo được những video dạy thực tế và sinh động.
Phần mềm iMindMap là phần mềm chuyên lập sơ đồ tư duy giúp các đồng chí thể hiện các ý tưởng của mình rõ ràng hơn thông qua hình ảnh. iMindMap cung cấp nhiều tùy chọn về hình ảnh, kỹ thuật vẽ chuyên nghiệp, sắc nét, có thể kết xuất bản đồ ra nhiều định dạng để chia sẻ.
Trên Internet hiện có một trang web hỗ trợ làm phim hoạt hình, đó là Web: Biteable.com giúp làm phim hoạt hình nhanh, đơn giản, theo các định dạng có sẵn...
Thực trạng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học vẫn còn gặp một số khó khăn như :
- Giáo viên chưa mạnh dạn, ngại khó,không chịu học hỏi nâng cao trình độ tin học.
- Một số giáo viên khả năng thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử còn chưa thành thạo.
- Khi thiết kế bài giảng điện tử, GV chưa có sự chuẩn bị trước kịch bản, tư liệu, ... còn lúng túng trong việc sắp xếp các nội dung trình chiếu.
Một số ý kiến đề xuất:
I. Đối với nhà trường
- Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng CNTT cho GV bằng cách thuê chuyên gia về CNTT hoặc các đ/c GV giỏi về CNTT để bồi dưỡng kiến thức CNTT cho GV nhà trường.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, sửa chữa kịp thời các trang thiết bị dạy học.
II. Đối với tổ chuyên môn.
- Tổ CM cử GV phụ trách CNTT hướng dẫn, giúp đỡ GV trong tổ cập nhật, hiểu biết và sử dụng thêm một số phần mềm mới, có tính ứng dụng cao trong thực tế giảng dạy.
III. Đối với giáo viên.
- Không ngại khó, tích cực học hỏi nâng cao trình độ tin học, tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử của mình sẽ giúp rèn luyện được nhiều kỹ năng về CNTT.
- Trước khi thiết kế bài giảng điện tử cần chuẩn bị kịch bản, tư liệu, ... sau đó mới bắt tay vào soạn giảng. Cần lưu ý về Font chữ, màu chữ đảm bảo độ lớn, độ tương phản và hiệu ứng thích hợp (hiệu ứng đơn giản, nhẹ nhàng tránh gây mất tập trung vào nội dung bài giảng).
- Nội dung bài giảng điện tử cần cô đọng, súc tích; hình ảnh, các mô phỏng cần sát chủ đề (không nên có nhiều hình hay nhiều chữ).
- Không lạm dụng công nghệ thông tin, tránh hình thức nếu chúng không tác động tích cực đến quá trình dạy học và sự phát triển của người học
- Tìm hiểu cách sử dụng đa dạng các phần mềm soạn giảng, đầu tư thiết kế các hoạt động tương tác để hướng sự tập trung của học sinh trong giờ học.
- Học tập kinh nghiệm việc ƯDCNTT của đồng nghiệp, trên Internet nhằm chia sẻ kinh nghiệm thông qua các giáo án điện tử, chuyên đề, hội thảo, để thu nhận những góp ý chân thành từ những người khác, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng đổi mới phương pháp.
- Nâng cao chất lượng các bài soạn trong kho học liệu. Khi có những bài giảng chất lượng, GV nên bổ sung vào kho học liệu chung để đồng nghiệp cùng có thể khai thác sử dụng.