Hôm nay 19/10/2020, trường Tiểu học Việt Hưng tổ chức cho học sinh khối lớp 3 tham quan tìm hiểu di tích đền Trấn Vũ và đình chùa Lệ Mật. Đây là 2 di tích lịch sử địa phương được Nhà nước xếp hạng “Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” tầm cỡ quốc gia.
Từ sáng, 408 học sinh đã náo nức chuẩn bị cho buổi tham quan, học tập lí thú này. Đúng 13giờ 15 phút, các em đã tập trung đầy đủ trước sân với giấy bút trên tay. Bạn nào cũng mong muốn ghi chép được nhiều nhất, đầy đủ nhất để bổ sung vốn kiến thức của mình.
Đây rồi, đền Trấn Vũ cổ kính, uy nghiêm đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Đền Trấn Vũ có tên chữ là “Trấn Vũ quán” hay “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng, thuộc tổ 5 phường Thạch Bàn, quận Long Biên - Hà Nội. Đền được xây dựng trên thế đất quy xà hội tụ, nhìn về phía hướng Bắc. Theo sự tích, Trấn Vũ đã thu phục yêu Rắn và yêu Rùa. Trấn Vũ diệt yêu Rắn và yêu Rùa, được coi là biểu tượng Thần chống lũ lụt. Thần Huyền Thiên trấn Vũ được thờ ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội: Trấn Vũ quán ở Quán Thánh (Ba Đình); Huyền Thiên Đại quán (Thụy Lâm- Đông Anh); Huyền Thiên Cổ quán (ở phường Đồng Xuân).
Đền Trấn Vũ – Thạch Bàn , Long Biên , Hà Nội
Huyền Thiên Trấn Vũ đắc đạo và có công lớn trong việc diệt trừ yêu quái, giúp trời yên biển lặng, dân cư yên ổn, vạn vật sinh sôi. Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời Thục Phán An Dương Vương đến nay, các triều đại đều phong sắc Ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ.
Đền Trấn Vũ đã trải qua nhiều đợt trùng tu sửa chữa vào thế kỉ XVII, XVIII và XX, đến thời Nguyễn thì được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn. Tượng Trấn Vũ đúc đồng nguyên khối cao gần 4m, nặng khoảng 4 tấn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kĩ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ
Hiện nay, đền Trấn Vũ còn thờ ghép cả Thánh Linh Lang Đại Vương. Ngoài ra đền còn lưu giữ được 04 bia đá cổ ghi sự tích, trùng tu đền Trấn Vũ, 01 bộ ván in của Đạo giáo, hệ thống hoành phi, câu đối tả cảnh đẹp của đền, ca ngợi công đức của Thánh Trấn Vũ, ngai, bài vị và kiếm lệnh có phong cách nghệ thuật của thế kỉ XVIII.
Học sinh tham quan, tìm hiểu trong đền Trấn Vũ
Hàng năm, vào ngày 3-3 âm lịch, lễ hội được tổ chức tại đền Trấn Vũ gắn với ngày sinh của Ngài. Ngày 9- 9 âm lịch là ngày hóa của Ngài. Ngoài nghi thức thì lễ hội ở đền Trấn Vũ còn có trò chơi kéo co luồn dây qua lỗ cột, đây là trò chơi dân gian rất độc đáo.
Đền Trấn Vũ đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền vẫn được bảo tồn, tôn tạo và là điểm sáng về tâm linh của nhân dân Quận Long Biên và du khách thập phương.
Các bạn học sinh ghi chép để làm bài thu hoạch .
Điểm dừng chân thứ hai trong hành trình tìm hiểu lịch sử địa phương của thầy trò chúng tôi là di tích đình chùa Lệ Mật. Ngôi đình uy nghi và cổ kính- công trình được xây dựng từ thời Lý với kiến trúc đẹp, chạm khắc hoa văn tinh xảo, cầu kì. Nơi đây, nhân dân thờ phụng và tôn vinh đức Thánh – Thành hoàng làng họ Hoàng, người đã có công vớt ngọc thể của công chúa Lý Viết Chiêu Lương, con gái vua Lý Thái Tông trên sông Thiên Đức năm 1043 và hết lòng phò tá 3 đời vua triều Lý, có công khai hoang và lập nên 13 làng trại thuộc các phường của quận Ba Đình, Đống Đa ngày nay.
Khách tham quan đến quần thể di tích này sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi lối kết cấu kì lạ: tam quan chùa cao lớn sừng sững, án ngữ trước tổng thể di tích đình Hạ bao gồm nghi môn, sân, phương đình, 04 dãy tảo mạc và chính đình. Nó vừa mang đậm dấu ấn xưa cũ của ngôi chùa làng vừa là chứng tích ghi nhận một sự kiện trong lịch sử văn hóa làng Lệ Mật.
Cổng đình Lệ Mật
Nằm theo hướng Nam ghé Đông, chùa Lệ Mật có tên chữ là Cổ Giao Tự. Ngôi chùa này được dựng lên từ thời Lý. Đình - Chùa - Miếu Lệ Mật là những thiết chế văn hóa được dựng lên do nhu cầu thực hành các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, đình chùa Lệ Mật gắn bó với đời sống tâm linh của người dân Việt Hưng và ghi lại dấu ấn đậm nét, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tạo những cảnh quan đặc sắc của làng quê Việt Nam xưa.
Nhân dân làng Lệ Mật, phường Việt Hưng mở hội từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ đến Đức Thánh của làng - người đã có công rất lớn với dân làng Lệ Mật, người đã sáng lập ra Thập tam trại ở đất kinh kì. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đảm bảo các nghi lễ truyền thống, nêu cao đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tôn vinh, tri ân công đức các bậc tiền nhân đã có công với nước, với dân làng, thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Phần hội: tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng, múa Giảo Long, giao hữu thể thao, các trò chơi dân gian, trình diễn rắn sống rất ấn tượng, thu hút nhiều khách thập phương.
Múa Giảo Long tại lễ hội Lệ Mật
Ngày 19/2/2014, Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật phường Việt Hưng được Nhà nước công nhận là “ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”
Trong chuyến tham quan di tích đình Lệ Mật, các em còn được các cụ trong Ban Quản lí di tích giới thiệu chi tiết về chùa Lệ Mật, miếu Chúa, Phương đình, hồ chiếu thủy… và những sinh hoạt cộng đồng của người dân địa phương gắn liền với những di tích này.
Trong suốt hành trình tìm hiểu cội nguồn lịch sử dân tộc, thầy trò chúng tôi luôn được các bậc tiền bối nâng bước, tiếp thêm sức mạnh, bổ sung vốn kiến thức còn nông cạn. Nhìn các em chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời, say sưa ghi chép …trong tôi trào dâng một nỗi niềm khó tả. Với học trò lớp 3, đây là một bước ngoặt mới giúp các em có thêm vốn kiến thức lịch sử đầu tiên để chuẩn bị cho hành trang môn lịch sử lớp 4 sau này.
Kết thúc chuyến tham quan tìm hiểu di tích lịch sử địa phương với tâm trạng hào hứng, phấn khởi… thầy trò trường Tiểu học Việt Hưng cố gắng phấn đấu dạy tốt - học tốt, có thêm thành tích mới chào mừng Thủ đô 1010 năm tuổi, làm rạng ngời trang sử địa phương Long Biên “Địa linh, Nhân kiệt ”