Sáng thứ 2 ngày 25 tháng 1 năm 2021, trường Tiểu học Việt Hưng tổ chức chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay” để tạo thói quen đọc sách cho thầy cô và các em học sinh toàn trường. Đến với chuyên đề tuần này lớp 4A3 giới thiệu cuốn sách “Hội hè và lễ Tết của người Việt” của nhà văn Nguyễn Văn Huyên.
Nguyễn Văn Huyên là một nhà nghiên cứu mà tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Trong nhiều công trình nghiên cứu ông để lại, người đọc có thể khám phá những giá trị truyền thống nằm trong tiến trình lịch sử của đất nước, con người Việt Nam. Một trong số đó có cuốn Hội hè lễ tết của người Việt. Cuốn sách là tập hợp những tiểu luận nghiên cứu và những bài viết được in trong 2 tập Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (tập I năm 1995; tập II năm 1996, NXB khoa học xã hội). Nguyễn Văn Huyên đã làm sáng tỏ được từng lớp trầm tích văn hóa trong các sự kiện để làm minh chứng thuyết phục cho những giá trị thuần Việt trong các sinh hoạt văn hóa ấy.
Tác giả cuốn sách "Hội hè lễ Tết của người Việt
Cuốn sách giới thiệu nhiều lễ hội tiêu biểu và nguồn gốc các ngày Tết ở Việt Nam. Trang sách đầu tiên, tác giả đã giới thiệu đến người đọc cái Tết to nhất của người Việt - Tết Nguyên Đán. Theo tác giả, Tết Nguyên Đán là những buổi rạng đông của sự khởi đầu, là lúc khởi đầu của năm, tháng và mùa, nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Khi sử dụng tên gọi Tết Nguyên Đán là chúng ta đang sử dụng tên gọi đọc chệch đi của Tiết Nguyên Đán. Thời điểm này, con người Việt có rất nhiều hoạt động như tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp, dựng cây Nêu, cúng Tất niên, đi lễ chùa, đón giao thừa, xem tuổi xông đất, xin chữ thầy đồ và lì xì cho các cụ già, em nhỏ.
Tiết Thanh Minh (ngày 3 tháng Ba âm lịch)
Thanh minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Những câu thơ dập dìu về cảnh ngày xuân trong truyện Kiều có sức sống rất lớn giúp bạn đọc mường tượng ra quang cảnh của ngày đầu xuân trong trẻo, người người, nhà nhà thăm nom, sửa sang mộ phần. Đó là hoạt động quan trọng đầu năm. Cuộc thăm mộ ngày Thanh Minh là một trong những hành vi tôn kính thiêng liêng được thể hiện từ con người. Tiếp theo cuốn sách nói về ngày
Tết Đoan Ngọ của Việt Nam (ngày 5 tháng Năm âm lịch). Tết Đoan Ngọ - tiết Thiên Trung, thời điểm mặt trời lên điểm cao nhất của bầu trời vào giờ Ngọ, thường được biết đến với tên gọi ngày giết sâu bọ cùng thói quen ăn rượu nếp và các loại hoa quả là một điển hình khác trong kho tàng văn hóa dân gian của người Việt. Dịp này gắn liền với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trong những ngày hè nóng nực kéo theo các loại dịch bệnh mà con người mong muốn chống chọi. Ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người thường cùng nhau thưởng thức những cốc chè đỗ đen mát lạnh để giảm cái nóng bức của ngày hè. Thật thú vị phải không?
Không chỉ Tết Nguyên Đán mà Tết Trung Thu - Rằm tháng Tám cũng được mọi người mong chờ và hào hứng trong năm. Ngày rằm tháng Tám là thời điểm thu phân, thời tiết mát mẻ và Trung thu còn là dịp trẻ em được vui chơi và trông trăng phá cỗ và vì thế trẻ em cũng như người lớn đều có sự yêu thích đặc biệt với ngày này – ngày Tết Trung thu Rằm tháng Tám.
Ngoài các ngày lễ Tết thì cuốn sách cũng nhắc đến ngày Hội rất tiêu biểu của dân tộc: Hội Phù Đổng (Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam). Tác giả đưa ra đánh giá Hội Phù Đổng là một trong những hội kỳ thú nhất và cổ nhất và đã dẫn đầy đủ truyền thuyết thánh Gióng phá giặc Ân, sự kết chạ và liên kết giữa các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên để tạo thành hội liên làng mà sự phân công thuộc về các Giáp.
Ai ơi mùng Chín tháng Tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời !
Các bạn nhỏ 4A3 không quên gửi lời nhắn nhủ tới thầy cô và các bạn hãy tìm đọc cuốn sách này tại thư viện trường Tiểu học Việt Hưng để hiểu thêm về các ngày lễ Tết của Việt Nam. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp các bạn có thêm nhiều thông tin kiến thức bổ ích.