Trong những tuần đầu học kì I năm học 2022 – 2023, được sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường, các tổ nhóm chuyên môn của trường Tiểu học Việt Hưng đã chủ động, nỗ lực tổ chức thành công nhiều tiết chuyên đề nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhà trường.
Mục tiêu của chuyên đề là vận dụng linh hoạt các kĩ thuật dạy học tích cực, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động sáng tạo cho học sinh. Đại diện cho tổ 5, cô giáo Bùi Thị Thanh Tú với kinh nghiệm chuyên môn giảng dạy khối 5 nhiều năm đã thực hiện một tiết chuyên đề Tập làm văn: “Luyện tập tả cảnh” khá ấn tượng, thể hiện chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và sự sáng tạo đổi mới không ngừng.
Tham dự chuyên đề có Ban giám hiệu nhà trường cùng đầy đủ các đồng chí giáo viên trong tổ 5 trườngTiểu học Việt Hưng.
Học sinh 5A4 trong tiết học chuyên đề
Với kiểu bài văn tả cảnh, trọng tâm của tiết dạy là“ Tả cảnh sông nước”, mục tiêu bài dạy là học sinh tìm hiểu cách tả cảnh sông nước sao cho đặc sắc, sinh động. Cô giáo đã đưa học sinh đến với giai điệu ngọt ngào của bài hát: “Việt Nam quê hương tôi” - phần khởi động nhẹ nhàng, vui tươi giúp các em bước vào tiết học với tâm thế hào hứng, tươi vui đầy hứng khởi.
Phần khởi động với cảnh biển tuyệt vời
Một trong những kĩ thuật dạy học tích cực được cô giáo quan tâm, áp dụng hiệu quả trong tiết học là “Kĩ thuật phòng tranh”.Cô giáo tổ chức cho học sinh giải quyết vấn đề học tập bằng cách trưng bày ý tưởng của cá nhân hoặc một nhóm xung quanh lớp học như một triển lãm tranh thực sự. Xem tranh, học sinh được khám phá, tìm tòi và phát hiện những đơn vị kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự chủ và logic.
Học sinh say sưa tham quan phòng tranh
Đồng thời, cô giáo đã tích hợp phân môn Tập làm văn với phân môn Luyện từ và câu, môn Mĩ thuật biến bài tập số 2 thành một buổi triển lãm vô cùng ấn tượng. Kĩ thuật phòng tranh đã được cô trò khéo léo áp dụng để học sinh thỏa sức sáng tạo, từ ý tìm được khi quan sát tạo nên một dàn ý sinh động, dễ nhớ bằng sơ đồ tư duy trên nền một bức tranh miêu tả cảnh sông nước đầy ấn tượng.
Học sinh với sơ đồ tư duy sáng tạo
“Sơ đồ tư duy”chính là công cụ, là bí quyết để giúp cho học sinh tiểu học nhanh tiến bộ trong viết văn. Khi lập sơ đồ, các em sẽ dễ dàng nắm bắt được vấn đề cốt lõi, trọng tâm của đề bài và từ kiến thức trọng tâm ấy,phát triển thêm những đơn vị kiến thức nhỏ hơn một cách có hệ thống. Việc xác định mối quan hệ giữa các đơn vị kiến thức trong hệ thống sơ đồ giúp các em có thể tập trung suy nghĩ những vấn đề khó, dễ dàng hình dung bố cục của bài văn. Nhìn vào sơ đồ tư duy, những kiến thức sắp xếp theo trật tự giúp các em dễ hình dung được vấn đề. Sơ đồ tư duy giúp các em trình bày nội dung bài dễ hơn, có hệ thống . Không những vậy, sơ đồ tư duy còn giúp cho các em giải tỏa áp lực trong giờ học văn, khơi dậy niềm đam mê, năng khiếu viết văn, phát triển khả năng tư duy, tạo cho các em thói quen tích cực suy nghĩ và cảm giác tự tin khi viết văn, đồng thời mang đến cho các em niềm hứng thú thông qua việc biến những đơn vị kiến thức thành hình ảnh sống động dưới góc nhìn và sự sáng tạo của mỗi học sinh.
Học sinh tự tin trình bày dàn ý bài văn bằng sơ đồ tư duy
Với thời lượng của một tiết học, bài dạy của cô Tú vô cùng sinh động với các hoạt động liền mạch mà nhẹ nhàng, uyển chuyển; các ngữ liệu gần gũi mà thiết thực, các em được tích hợp nhiều kiến thức liên môn: Địa lí, Mĩ thuật, Âm nhạc.... Quan trọng hơn là những kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp được các em đón nhận thật tự nhiên, nhẹ nhàng, sinh động mang đến sự thoải mái trong học tập. Vui vẻ, hào hứng, tự tin thể hiện khả năng của bản thân mà việc tiếp thu kiến thức lại nhẹ nhàng, không bị gò ép cùng với việc rèn luyện kĩ năng : tự chủ, hợp tác, tự đánh giá, giao tiếp nhóm…làm cho học sinh thấy “được chơi” , được khẳng định mình trong giờ học, như vậy là niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn của cả thầy và học trò.
Có thể khẳng định: Ấn tượng, kết nối tri thức và truyền lửa đam mê là cảm nhận chung của học sinh, giáo viên và Ban giám trường Tiểu học Việt Hưng khi tham dự tiết chuyên đề của cô và trò lớp 5A4.
Sau khi dự tiết chuyên đề, các thành viên trong các tổ đã sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm dạy học phân mônTập làm văn. Đồng thời, tổ chuyên môn khối 5 cũng lắng nghe những góp ý, tư vấn từ phía Ban giám hiệu nhà trường giúp cho tiết dạy hoàn thiện hơn. Buổi sinh hoạt chuyên môn thật ý nghĩa và thiết thực, mỗi giáo viên đã học hỏi được rất nhiều điều và cùng nhau học tập vận dụng vào thực tế giảng dạy.