Trong đợt dịch này, có lẽ người chịu thiệt thòi nhất là các bé năm nay vào lớp 1. Các bé nghỉ từ dịp lễ 30/4 đến tận bây giờ, các bé chưa kịp "tạm biệt gấu misa", chưa kịp nói lời chào tạm biệt với cô giáo và các bạn trường mầm non, nay đã vào lớp 1. Bởi vậy các con đầu cấp tiểu học đối mặt với thách thức lớn về tâm lý khi không được cô giáo đón và dắt tay vào trường hôm khai giảng, sau đó lại học trực tuyến ngay từ khi bắt đầu. Dù đã chuẩn bị tinh thần cho việc này nhưng nhiều gia đình vẫn thấy căng thẳng, và việc học online gặp không ít khó khăn.
Năm học đầu tiên với bạn Vũ Thành Đạt, hoc sinh lớp 1A3 trường TH Việt Hưng còn đặc biệt hơn thế. Do bố mẹ phải đi làm nên con về quê ở Nam Định với ông bà ngay từ đầu dịch. Lúc đó con vừa phẫu thuật u tuyến giáp ở cổ. Tưởng rằng chỉ về tạm một tháng để ông bà chăm cháu, vì bố mẹ trên Hà Nội đi làm. Nhưng dịch phức tạp, kéo dài hết tháng này sang tháng khác. Bố mẹ Đạt đành ngậm ngùi để con lại cho ông bà chăm. Những ngày đầu Đạt nhớ bố mẹ, lại đau vết mổ nên em khóc rất nhiều. Đêm nào ông bà cũng dỗ dành cho em dễ ngủ. Ông bà như người cha, người mẹ thứ hai của em. Hằng ngày ông bà chăm sóc em, cho em uống thuốc và thay băng cho em. Sau hơn 2 tháng thì vết thương đã liền sẹo, nhưng em chưa dám nói to.
Tình hình dịch phức tạp, đi lại khó khăn, việc về quê đón con lên Hà Nội học online là không thể. Bên cạnh đó là việc con còn quá nhỏ để có thể tự chăm sóc và ở nhà 1 mình trong lúc bố mẹ đi làm, nên gia định phải nhờ ông bà tiếp tục hỗ trợ. Ông bà ở quê không giỏi công nghệ. Với chiếc điện thoại cũ và màn hình nhỏ, việc hướng dẫn ông bà tải ứng dụng "zoom" để cháu học online quả là không đơn giản. Việc sử dụng điện thoại chụp ảnh bài làm của cháu gửi azota, hay quay video bài đọc của cháu gửi cho cô giáo là một trở ngại không hề nhỏ với ông bà vào những ngày đầu. Tiếp theo là mạng ở quê không được tốt, ông bà đã lớn tuổi, giờ phải kèm cháu học làm toán, tập đọc, tập viết khiến ông bà mất ăn mất ngủ vì lo lắng.
Nghĩ cháu sẽ khó theo được các bạn khi trở lại Hà Nội học trực tiếp, ông bà quyết định lên kế hoạch kèm cặp cháu. Ông bà nhờ hàng xóm cài zoom vào chiếc điện thoại mua trả góp, tập chụp ảnh bài làm gửi azota cho cô giáo, tập đọc tin nhắn zalo. Có thể nói, ông bà đã làm hết sức, nhờ hết các nguồn giúp đỡ để cháu theo kịp các bạn khi học online.
Bố mẹ Đạt cũng đầu tư một chiếc máy tính cũ để gửi về quê cho con học. Không có tai nghe, webcam, ông bà nhờ bằng được hàng xóm mua giúp, rồi lắp ráp và hướng dẫn ông bà sử dụng. Máy tính cũ nên hay chập chờn, nhiều hôm màn hình không lên hoặc không kết nối internet được. Mỗi lúc như vậy, ông bà lại tất tả chạy sang nhà bên nhờ giúp đỡ.
Ông, bà gần 70 tuổi thay nhau ngồi kế bên khi cháu học để hỗ trợ kĩ thuật. Thỉnh thoảng gặp bài toán khó, bé quay sang hỏi ông, bà nhưng chỉ nhận được tiếng cười xoà. "Bây giờ sách giáo khoa khác xa ngày xưa rồi, có nhiều bài bố mẹ còn chẳng biết giảng cho con, huống gì ông bà mới chỉ học hết lớp 3", bà kể.
Cứ 19h30 mỗi tối thứ hai – tư - sáu, hai mẹ con Đạt lại gặp nhau trên lớp học trực tuyến của cô Quỳnh. Mẹ Đạt vào zoom để nghe cô giảng, có gì còn giúp con và xem tình hình con học trên lớp. Buổi tối Đạt học mẹ vẫn phải làm, vì mẹ em là công nhân nhà máy dệt, nên hay tăng ca vào buổi tối. Ngoài giờ học, ngày nào mẹ cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe, việc học hành của cậu con trai yêu quý.
Vài tuần gần đây, Đạt quen được mấy người bạn cùng lứa trong xóm, rủ nhau đi chơi buổi chiều nên em đỡ buồn. "Học ở quê cũng là trải nghiệm quý nếu nhìn ở hướng tích cực. Bé đã biết tự lập nhiều việc, biết giúp ông bà vo gạo, quét nhà, rửa bát…", bà Đạt kể.
Sau thời gian được ông bà kèm cặp, cậu bé Đạt đã không phụ lòng mong mỏi của gia đình. Cậu đã biết viết, biết làm toán lớp 1 và tham gia đầy đủ các trải nghiệm của Liên đội.
Gia đình bé Vũ Thành Đạt đã nêu cao tấm gương về tinh thần vượt khó trong mùa dịch - ngừng đến trường chứ không ngừng học. Đó là nét đẹp cần ca ngợi và phát huy trong đời sống hôm nay.